Mẹ Vắng Nhà | When Mother's Away Official | VOICE | Clay Pham
Mẹ Vắng Nhà là bộ phim tài liệu về cuộc sống của gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mẹ Nấm sau khi chị phải đi tù, để lại mẹ già cùng bà ngoại và hai con nhỏ.
Phim có sẵn phụ đề 5 ngôn ngữ Anh, Pháp, Quan Thoại, Hàn Quốc, Séc.
Bộ phim Mẹ Vắng Nhà, thuật về đời sống của gia đình mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong chúng ta, hẳn ai cũng có sự xúc động mãnh liệt trước cảnh sống vô cùng khó khăn, nhất là về tinh thần của những người thân của người phụ nữ quả cảm này. Cũng xin nhắc lại NNNhư Quỳnh tức Mẹ Nấm đã phải trả một giá thật đắt, 10 năm tù cho những hoạt động vì lý tưởng, công lý trong nhiều năm qua . Cô là người sáng lập Mạng lưới Bloggers Việt Nam và là người lên tiếng về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và thảm trạngFormosa.
Qua cuốn phim này, chúng ta ý thức được rằng, khi dấn thân đấu tranh cho quê hương, những nhà đấu tranh dân chủ đã phải chịu nhiều hy sinh, nhiều thiệt thòi trên toàn phương diện: hôn nhân đỗ vỡ, tính mạng bị đe dọa. Và khi lãnh án tù, không phải chỉ có họ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, mà toàn bộ gia đình của họ cũng lâm vào những hoàn cảnh vô cùng thương tâm.
Chúng ta cũng ý thức được rằng sau lưng những người phụ nữ dũng cảm này là những người mẹ, người cha cũng can trường không kém. Trong phim Mẹ Vắng Nhà, chúng ta thấy bà Tuyết Lan, thân mẫu của Mẹ Nấm đang phải đương đầu với bao thử thách. Bà mang trên vai nhiều gánh nặng: với trách nhiệm mưu sinh của một người chủ gia đình, trách nhiệm làm con đối với người mẹ già yếu, trách nhiệm một người mẹ với người con gái đang trong lao tù với tâm tư đau khổ, bất an cho số phận người con yêu quý của mình. Ngoài ra bà còn phải thay con chăm lo cho hai cháu ngoại tuổi còn non dại trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn với sự rình rập, khủng bố tinh thần không ngừng của công an. Không biết bao lần, bà Tuyết Lan đã để nước mắt chảy ngược vào tim để không làm suy sụp tinh thần của người mẹ già, của con gái và các cháu nhỏ. Thử hỏi trong chúng ta, ai có thể đối đầu với những nghịch cảnh như vậy , và chúng ta sẽ chịu đựng được trong bao lâu?
Qua cuốn phim này, chúng ta cũng liên tưởng đến những người thân của các nhà đâu tranh dân chủ khác như cha mẹ của Trần Hoàng Phúc, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang, Đỗ Thị Minh Hạnh, v.v.. Và chúng ta cũng đã không quên được sự bất khuất của bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của Blogger Tạ phong Tần, đã anh dũng tự thiêu vào năm 2012 để phản đối bản án bất công của con gái mình.
Ngoài ra, hình ảnh các cháu bé sống xa mẹ cũng đã gây nhiều xót xa nơi chúng ta. Chắc các cháu cũng đã từng thỏ thẻ:
Thưa Mẹ, đêm rồi con chiêm bao, Mẹ cầm tay con, mắt Mẹ cười, Theo Mẹ tung tăng, con vào lớp, Dáng Mẹ bên thềm nắng trổ hoa.
Giấc mơ thật đẹp. Trẻ thơ nào mà chẳng hạnh phúc, hân hoan khi được sống trong vòng tay thương yêu của mẹ, nhưng khi thức giấc, chắc các cháu sẽ rất ngẩn ngơ thất vọng và rất buồn nhớ mẹ. Các cháu không thể hiểu được nguyên nhân tại sao các cháu không được sống gần mẹ.
Bi kịch gia đình của những người tù lương tâm VN đã dấy lên trong tôi nhiều câu hỏi:
1/ Một chế độ chỉ biết lấy bạo quyền và ngục tù để bóp nghẹt những tiếng nói công lý, một chế độ mà khi người mẹ muốn ôm con phải xin phép quản giáo, sẽ dẫn đất nước đi về đâu? Thực trạng VN ngày nay đã trả lời câu hỏi này.
2/) Đất nước VN đâu phải chỉ thuộc về Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Cấn thị Thêu, Phạm Thị Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Trung Tôn… Nghĩa là trách nhiệm cứu nước đâu phải chỉ đè nặng lên vai họ. Chúng ta những người Việt hải ngoại, những người may mắn được hít thở không khí tự do, chúng ta có đã làm tròn trách nhiệm của người con dân Việt trước vận mệnh đất nước?
Cá nhân tôi cảm thấy hổ thẹn trước sự hy sinh to lớn của gia đình mẹ Nấm, cũng như của các nhà đấu tranh dân chủ khác. Bộ phim này cho tôi một bài học lương tâm, tôi nghĩ tâm tư tôi khó có thể bình yên sau cuốn phim này. Hy vọng sự trăn trở này sẽ cho tôi nói riêng và quý vị nói chung một sự thôi thúc: Chúng ta phải lâm một điều gì tích cực cho tình hình nghiêm trọng hiện tại tại quê nhà dấu yêu.Chúng ta phải bảo vệ những người tù nhân lương tâm này vì họ chính là niềm hy vọng cho sự tồn vong của tổ quốc.
Xin cảm ơn nhà đạo diễn Clay Phạm đã chấp nhận đối diện với những hiểm nguy để thực hiện cuốn phim tài liệu trung thực này.
Xin cảm ơn LS Trịnh Hội đã phổ biến cuốn phim này. Khởi đẩu là tại trụ sở Câu Lạc Bộ Phóng viên nước Ngoài tại Thái Lan ngày 27/6 vừa qua. Nhưng sau đó phim này đã bị cấm trình chiếu tại đây.
Cuốn phim tài liệu này cần được phổ biến rộng rãi vì đã tố cáo cùng thế giới chế độ vô nhân của CSVN với những vi phạm nhân quyền trầm trọng. Đây sẽ là công cụ gây áp lực với CSVN trước cộng đồng quốc tế hầu có thể gia tăng sự an toàn cho các tù nhân lương tâm.
Trước khi dứt lời, tôi vô cùng hãnh diện về những người phụ nữ VN. Hơn lúc nào hết, trong khúc quanh quan trọng của lịch sử dân tộc, các người phụ nữ đấu tranh dân chủ cho thấy rầng họ quả xứng đáng làm con cháu Trưng Triệu. Những người phụ nữ này không biết cúi đầu trước bạo lực. Trái tim họ chỉ biết tuân theo tiếng gọi của tổ quốc, tiếng gọi của lý tưởng Tự Do, Dân Chủ. Theo gương bà Triệu: Họ chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chớ không thèm cong lưng để làm tỳ thiếp cho người.
Nếu trong tất cả chúng ta, trong và ngoài nước, ai cũng mang trong tim tinh thần của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên, Trịnh Kim Tiến, Bùi Thị Minh Hầng, v.v..thì chúng ta sẽ không bao giờ sợ Việt Nam dấu yêu sẽ mất tên trên bản đồ thế giới.